Mùa xuân và mẹ

Suốt đời tôi không thể nào quên cái tết và mùa xuân năm Tân Tỵ - 1941. Cha tôi từ trần vào một ngày cận tết. Một mẹ góa và năm con mồ côi gần như không biết tết là gì; mọi sinh hoạt bình thường lâu nay của gia đình cũng bị xáo trộn theo chiều đi xuống. Năm ấy mẹ mới ba mươi sáu tuổi và tôi mới mười một tuổi, đứa em trai út mới hai tuổi. Cũng từ cái tết khó quên ấy tôi càng thấy rõ hơn, nhiều hơn tình thương con và bản lĩnh của mẹ tuy chỉ là những việc thông thường của một bà mẹ quê.
Ảnh minh họa
Mẹ đưa ra quyết định khiến tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Mẹ bàn với bác Tự lấy lại một mẫu ruộng thuộc hạng nhị đẳng điền để tự canh tác. Khoảnh ruộng này lâu nay bác Tự làm rẽ của gia đình tôi. Lúc sinh thời, cha tôi là một nhà giáo viên bậc tiểu học, gia đình thiếu sức lao động mới chịu đưa phần ruộng ít ỏi này cho bác Tự làm rẽ, nay cha mất rồi, anh em tôi còn bé, làm sao tự canh tác? Tôi đem sự lo lắng này hỏi mẹ thì được mẹ trả lời chắc nịch: mẹ sẽ cày, bừa; còn cấy thì vòng công với chị em; nhổ cỏ lúa mẹ sẽ dạy cho con để phụ mẹ một tay. Mình phải tự sản xuất mới tạm đủ lúa ăn con ạ!
Thế rồi từ mùa tháng ba năm sau, mẹ đã làm như thế.
 
Bà con họ hàng cô bác đến nhà chơi, họ nhìn anh em chúng tôi với vẻ thương hại và nói:
- Tội nghiệp mấy cháu mồ côi cha, rồi đây phải bỏ chuyện học hành!
Mẹ tôi phản đối ngay:
- Không bao giờ có chuyện đó!
Một hôm mẹ bảo tôi:
- Con thi xong tiểu học mẹ sẽ cho con ra Huế học, xong trung học phổ thông sẽ tính tiếp. Bốn em con cũng lần lượt giải quyết như vậy.
Tôi hỏi:
- Nhà ta nghèo, con ra Huế, cả tiền trọ và ăn ở, mẹ làm sao kham nổi?
Mẹ chỉ tay về phía đầu tủ sách và nói:
- Mẹ mua con heo đất đó, hễ bán lứa chuối, lứa cau hay bán gà, bán heo, mẹ trích một phần bỏ vào heo đất dành cho con đi học xa. Đầy con này sẽ tiếp con khác. Mẹ lo và thực hiện việc ấy ngay từ bây giờ, con yên tâm.
- Nhưng rồi lấy ai phụ giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng?
Mẹ đưa hai bàn tay ra trước mặt tôi:
- Con khỏi lo. Đôi tay mẹ còn khỏe lắm.
Tôi suýt quên kể về mùa hoa cải vàng dịp tết năm ấy. Mọi năm, khi đã bán, đã biếu cải cho số bà con không trồng, mẹ vẫn chừa những cây cải có hoa đến sau mùng mười tháng giêng mới phá đi và san bằng mặt đất trả lại cho vườn. Mẹ làm thế chỉ vì cha tôi thích ngắm màu vàng hoa cải. Ông ngắm và làm thơ cho loài hoa thân thiết này, năm thì thơ mới, năm lại Đường luật. Khi cha tôi mất, mẹ vẫn cuốc đất, lên luống, bón phân chuồng cho các luống đất mới. Tôi hỏi:
- Làm thế này để chi vậy mẹ?
- Để trồng thêm một mùa cải nữa. Rau quả trái mùa bán được giá lắm.
Khi mùa cải thứ hai thu hoạch, mẹ tôi gọi một bà có sạp bán rau quả ở chợ đến xem và hai bên định giá. Mẹ bán sỉ trọn vườn cải cho bà, nhận tiền một lần. Bà ấy cứ mỗi ngày cho người đến cắt đem về chợ bán rất chạy dù giá cao. Mẹ dùng một phần tiền bán cải trái mùa mua áo quần mới cho anh em chúng tôi khi tết đã qua khá lâu. Trưa nọ tôi đang nằm trên bộ phản trước bàn thờ cha để đọc cuốn sử ký thì nghe trong buồng của mẹ và em gái tôi có tiếng kéo cắt vải. Tôi bước vào nhìn thì thấy mẹ đang cắt chiếc áo dài in hoa mẹ giữ từ ngày cưới. Đây là vật kỷ niệm quý của mẹ. Tôi bàng hoàng hỏi mẹ:
- Sao mẹ cắt áo cưới của mẹ ra từng mảnh thế?
Mẹ ngừng tay nhìn tôi với ánh mắt vời vợi như mong tôi thông cảm:
- Con C. nó đòi áo của nó phải có bông. Nhà chỉ mình nó là con gái, mẹ và các con nên chiều nó chút.
Một năm trôi qua.
Chiều hôm ấy, thung lũng quê tôi vẫn còn gió bấc từ sông Thu Bồn thổi khắp. Mưa nhẹ nhưng dai dẳng. Chót núi Cà Tang quấn đầy mây trắng. Cuối tháng chạp thường có vài ngày như thế trước khi tết đến. Bốn em tôi ngồi trên ngạch cửa nhìn về phía núi xa. Đúng một năm trước, người ta đưa cha tôi về hướng ấy. Đứa em gái áp út buột miệng hỏi:
- Sao cha đi vô trong đó mà lâu quá không về?
Không ai trả lời. Mẹ im lặng, lắc đầu.
Tôi thắp tiếp hương trên bàn thờ cha rồi ngồi bên mẹ. Hai mẹ con kiểm lại mấy việc đã làm trong một năm sắp qua. Nổi trội nhất là mẹ đã can đảm lấy lại mẫu ruộng để tự sản xuất. Vì không chia đôi cho người làm rẽ nên số thóc của nhà tôi gấp hai lần lúc trước. Thêm vào đó, do mình làm ruộng của mình nên cày bừa, nhổ cỏ, bón phân rất chu đáo, tuy là ruộng nhị đẳng điền nhưng năng suất không kém gì ruộng nhất đẳng điền của người khác. Tôi nhờ mẹ chỉ bảo nên đã rành việc nhổ cỏ lúa, bón phân, đắp ngõ nước để giữ nước ngày nắng hạn và tháo ngõ nước khi trời mưa để chống ngập úng…
Còn vài hôm nữa là chợ làng đông phiên tết. Vườn cải trước nhà lá xanh mướt và vô số hoa vàng. Mẹ bước ra vườn cắt mấy hoa cải vàng cắm vào bình hoa trên bàn thờ cha tôi. Rồi mẹ nói với tôi:
- Mùa này mẹ không cắt bán cải từng buổi chợ nữa mà bán sỉ cả đám cho bà chủ sạp như đã làm ở mùa cải trái vụ vừa rồi.
Mẹ bảo tôi xuống chợ mời bà chủ sạp rau quả đến gặp mẹ. Đến nơi, bà quan sát cả vườn cải rồi đồng ý mua, trả tiền trước ngay một lần.
Sáng hôm sau, mẹ đi chợ và mua về cho năm anh em tôi áo quần mới mặc tết không quá muộn như cái tết vừa qua. Em gái tôi cũng có một chiếc áo in bông mới toanh chứ không phải vải cắt từ áo cưới của mẹ ngày xưa. Và tôi nghĩ, có mẹ là có cả mùa Xuân...

Tác giả bài viết: TƯỜNG LINH

Nguồn tin: Theo Báo Quảng Nam