Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Núi Thành (03/12/1983 - 03/12/2013)

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Núi Thành (03/12/1983 - 03/12/2013)

Người đăng: . .Ngày đăng: 13/12/2013 .Lượt xem: 73 lượt.

 

 

 

                                       ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NÚI THÀNH TỈNH QUẢNG NAM 

          

Ngày 03/12/1983, huyện Núi Thành được thành lập theo Quyết định số 144-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ.

Trong 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa huyện từ điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn vươn lên thành huyện có mức phát triển khá của tỉnh.

1. Kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển.

Huyện Núi Thành là vành đai trắng của căn cứ quân sự Chu Lai trong kháng chiến chống Mỹ đã để lại những hậu quả nặng nề. Sau chín năm giải phóng, Đảng bộ và nhân dân có những chủ trương, giải pháp tích cực, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng cuộc sống mới và dần đưa huyện nhà từng bước phát triển. 

Khi mới thành lập huyện, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất còn nhiều thiếu thốn; kinh tế nông nghiêp chủ yếu là độc canh cây lúa, sản xuất nhỏ, manh mún, bấp bênh; mới có 25% diện tích lúa được tưới tiêu chủ động, năng suất không vượt 22 tạ/ha, các nghề khác như trồng rừng, nuôi trồng thủy sản chưa được phát triển, đời sống nhân dân gặp không ít những khó khăn. Tiềm năng kinh tế như đất rừng, đất nông nghiệp, bờ biển dài có cảng nước sâu, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản rộng… nhưng chưa được khai thác. Chưa có điện, không một nhà máy, giao thông đi lại vô cùng khó khăn; có xã còn trên 30-40 % hộ thiếu đói… 

Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải xúc tiến ngay việc xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật, khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Trung dũng kiên cường…” nhằm động viên sức người, sức của để phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện phương châm đi từng bước vững chắc; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách. Đồng thời, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy sức mạnh tập thể, tiềm năng lao động, đất đai, tài nguyên sẵn có để phát triển hạ tầng kinh tế; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; mô hình sản xuất mới theo hướng áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật… đưa kinh tế huyện nhà từng bước phát triển.

Về nông nghiệp, trong 10 năm (1984-1994), sản lượng lương thực tăng 6.610 tấn (1984: 15.551 tấn; 1994: 22.161 tấn); năng suất lúa tăng 5,33 tạ/ha (20,85 tạ/ha và 26,18 tạ/ha); diện tích nuôi tôm nước lợ từ 43 ha năm 1984 lên 550 ha năm 1994; phương tiện đánh bắt thuỷ sản tăng từ 410 (1984) phương tiện lên 1.066 phương tiện (1994). 

Giai đoạn 1994 - 2004 sản xuất nông - lâm- ngư nghiệp có những bước tiến đáng kể. Nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Sản lượng lương thực có hạt từ 22.161 tấn (1994) tăng lên 30.770 tấn (2004); sản lượng đánh bắt thuỷ sản từ 9.200 tấn (1994) tăng lên 18.700 tấn (2004); diện tích nuôi trồng thuỷ sản từ 550 ha tăng lên 1692 ha năm 2004.

Từ 2004 đến nay, nông nghiệp Núi Thành phát triển ngày càng đi vào chiều sâu; theo hướng sản xuất hàng hoá, coi trọng chất lượng, hiệu quả, gắn với thị trường. Cơ cấu cây trồng và cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển đổi tích cực. Việc bố trí mùa vụ sản xuất hợp lý đã tăng tính chủ động đối phó với thiên tai. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống các công trình thủy lợi, mạng lưới điện, giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ. Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu triển khai đạt kết quả. Tổng giá trị sản xuất trong 5 năm (2005-2010) tăng bình quân 8,54%. Tổng sản lượng lương thực tăng ở mức ổn định; nhiều giống cây trồng, mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao trong sản xuất được áp dụng; xuất hiện một số mô hình đạt trên 50 triệu đồng/ha như lạc, mía, rau quả, thực phẩm. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm được đẩy mạnh… Năm 2013, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng, tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 27,49% và 5,96% trong toàn ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản theo giá hiện hành đạt 2.661 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 37.499 tấn; tổng đàn gia súc 42.164 con, gia cầm 226.869 con.

Lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản được quan tâm chỉ đạo, phát triển theo hướng chiều sâu. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.480 ha; trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 1.141 ha, toàn huyện hiện có 12 cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống. 

Các chính sách hỗ trợ cho ngư dân được triển khai kịp thời, nhiều ngư dân đã tích cực thực hiện chủ trương cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ kết hợp bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Hiện nay, toàn huyện có 2.379 tàu thuyền; trong đó có 222 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên; tàu có công suất lớn nhất là 1.054 CV. Tổng công suất tàu thuyền năm 2005 là 29.305 CV, năm 2009 gần 50.000CV và đến nay (2013) tăng lên 103.151 CV. Sản lượng đánh bắt thuỷ sản năm 1984 là 9.200 tấn, năm 2009 đạt 24.000 tấn, đến nay (2013) tăng lên 34.750 tấn.

Về công nghiệp và dịch vụ, trước năm 1984, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ Núi Thành chưa phát triển, toàn huyện chỉ có một số cơ sở sản xuất gạch, ngói, vôi… Ngành cơ khí chủ yếu sản xuất nông cụ cầm tay, máy tuốt lúa, cày, bừa; đóng sửa tàu thuyền cỡ nhỏ; tiểu thủ công nghiệp chỉ có một số cơ sở sản xuất như mành trúc, chổi đốt, thảm dừa, mặt hàng mây tre và một số cơ sở dệt thủ công. Thương mại - dịch vụ chủ yếu là mạng lưới mua bán dưới hình thức các hợp tác xã và công ty thương nghiệp, thực hiện cơ chế bao cấp, bán hàng theo tem phiếu; nhà nước quản lý, điều hành việc mua bán; hàng hoá chủ yếu là vật tư phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng. 

Từ 1984 đến những năm sau, huyện thành lập một số công ty, xí nghiệp như công ty thương nghiệp; công ty vật tư tổng hợp; công ty thuỷ sản; công ty xuất nhập khẩu; xí nghiệp giao thông vận tải… đặt nền móng cho phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô vừa nhằm giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; khuyến khích mở rộng ngành nghề thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu; các mặt hàng vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, hải sản. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Việc thực hiện chủ trương này bước đầu có tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 

Đến năm 1993, trên địa bàn Núi Thành bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp công nghiệp như nhà máy tuyển cát ở Tam Hiệp, Công ty phá dỡ tàu thuyền - cán thép Kỳ Hà, xí nghiệp đá Chu Lai, nhà máy gạch Tuynen, xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ, nhà máy thức ăn nuôi tôm Hoa Chen, Nhà máy Efgas. Mỏ đá Hưng Long, Hoà Vân, Vạn Tường… Thời điểm 1984, sau khi chia huyện, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện là 4,2 tỷ đồng, đến năm 1993 là 9,75 tỷ đồng, tăng 5,55 lần so với năm 1984.

Về điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt đời sống, năm 1984 cả huyện chưa có điện lưới, người dân sinh hoạt ban đêm chủ yếu bằng đèn dầu. Năm 1986, bắt đầu kéo điện và mãi đến năm 1994, điện mới về được với thị trấn Núi Thành và một phần xã Tam Nghĩa, Tam Hiệp, đến năm 1997, điện lưới quốc gia đã phủ được 50% số xã và đến năm 2004, phủ được 100% toàn huyện; đến nay toàn huyện có trên 99% số hộ dân sử dụng điện, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Từ năm 2003 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, nhất là chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dịch vụ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển kinh tế- xã hội huyện nhà; quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng huyện cơ bản thành huyện công nghiệp vào năm 2015

Giá trị sản xuất công nghiệp 2013 ước đạt 4.729 tỷ đồng, tăng 434,80 lần so với năm 1984; tăng 18,40 lần so với năm 2004.

Lĩnh vực thương mại- dịch vụ phát triển nhanh. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 1984 - 2013 hơn 31%. Các dịch vụ viễn thông, ngân hàng, vận tải, buôn bán, thương mại… mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Tốc độ phát triển năm 2013 gấp 2.079 lần so với năm 1984. Doanh thu thương mại dịch vụ năm 2013 ước đạt 3.618 tỷ đồng.

Sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai đã mở ra cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ huyện nhà phát triển mạnh. Một số nhà máy với quy mô lớn mang tầm quốc gia như Khu liên hợp cơ khí ô Chu Lai - Trường Hải, Nhà máy kính nổi, Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai, Cảng biển Kỳ Hà, Tam Hiệp, Sân bay Chu Lai… đã tạo nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, đáp ứng nhu cầu dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của huyện, cơ cấu kinh tế ngành của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2005- 2012 tăng 37,66%. Riêng năm 2013, công nghiệp - dịch vụ đạt 82,06% (công nghiệp 65,34%; thương mại - dịch vụ 16,72%; nông - lâm - ngư nghiệp 17,94%).

Ngoài 2 cụm công nghiệp do huyện quản lý; trên địa bàn có 2 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, với diện tích rộng 1.460 ha, thu hút được 62 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký là 783,64 triệu USD; giải quyết việc làm cho 10.628 lao động. Các cụm công nghiệp của huyện đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn 165,3 tỷ đồng, hiện có 140 doanh nghiệp công nghiệp hoạt động trên địa bàn; có gần 1.100 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau như cơ khí, sửa chữa ôtô, tàu thuyền, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…

Khu kinh tế mở Chu Lai, hiện nay là một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, đã trở thành khu vực động lực phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, sản phẩm công nghiệp đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng ngày càng tăng và thêm nhiều sản phẩm mới như: Ô tô, vật liệu xây dựng cao cấp, sản phẩm cơ khí chính xác, nhiên liệu sinh học, linh kiện điện tử, các loại sản phẩm công nghiệp tiêu dùng… tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Song nhìn lại, hoạt động thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay, đó là sự quyết tâm rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Núi Thành. Đã thực hiện 395 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, với 2.085 ha và trên 17.900 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 1.579 hộ giải tỏa nhà. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 870 tỷ đồng. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu 30 năm (1984 - 2013) tăng trên 90 lần, tăng trưởng bình quân 50,46 %; năm 1985 đạt 1,7 triệu rúp đôla (USR), năm 2004 đạt 12,18 triệu USD và đến năm 2013 ước đạt 92,82 triệu USD.

Từ một huyện lệ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp ngân sách Trung ương, tỉnh, thu nội địa năm 1994 chỉ đạt 2,83 tỷ đồng, năm 2001 đạt 50 tỷ, năm 2004 đạt 113,76 tỷ nhưng đến năm 2013 thực hiện trên 1.739 tỷ đồng, trở thành huyện có số thu ngân sách cao nhất tỉnh.

Kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được tập trung xây dựng, đã hoàn thành công tác quy hoạch thị trấn Núi Thành; các khu đô thị, các khu dân cư và cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đã được kết nối; việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu du lịch, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hồ đập thủy lợi được xây dựng, nâng cấp, đảm bảo cho hơn 89% diện tích chủ động nước và cung cấp nước sạch cho các khu công nghiệp, nhân dân ven quốc lộ 1A; hàng trăm kilômét kênh mương được kiên cố, bê tông hoá, phục vụ tưới tiêu ổn định. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, hình thành hệ thống giao thông thông suốt từ trung tâm huyện về xã và giữa các xã. Tất cả các trường học, trạm y tế, cơ quan làm việc đều được xây dựng kiên cố. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp. Tất cả các xã đều được phủ sóng viễn thông, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về thông tin, liên lạc của nhân dân…

Chủ trương triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều hạng mục công trình xây dựng cơ bản đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả góp phần phục vụ tốt sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nhận thức trách nhiệm về xây dựng nông thôn mới trong đội ngũ cán bộ và nhân dân có chuyển biến tích cực, nhờ đó đã phát huy được nội lực ở từng địa phương. Đến tháng 12 năm 2013, có 14/16 địa phương phát động xây dựng xã nông thôn mới, bình quân đạt 6/19 tiêu chí theo quy định.

2. Giáo dục - Đào tạo, Y tế - chăm sóc sức khỏe, văn hóa và các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đặc biệt chú trọng, các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. 

Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô, cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học. Năm 1983-1984, toàn huyện có 19 trường mẫu giáo, 23 trường phổ thông cơ sở; có 920 lớp học với 980 giáo viên. Cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn, còn 90 phòng học bằng tranh tre, 20 lớp học ca ba; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn còn thấp. Tuy vậy, với quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân và ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục của huyện trong thời gian qua được đầu tư và phát triển cả về quy mô và cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp phát triển nhanh và được bố trí hợp lý, tạo thuận lợi cho trẻ em đến trường. Trẻ em trong độ tuổi ra lớp hằng năm đạt tỷ lệ cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở, phong trào xã hội hoá giáo dục ngày càng đi vào chiều sâu, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, phụ huynh quan tâm nhiều hơn, cụ thể hơn đối với phát triển sự nghiệp giáo dục. Đến nay toàn huyện có 63 trường học, trong đó có 18 trường Mẫu giáo, 25 trường tiểu học, 17 trường THCS và 3 trường THPT; 01 Trung tâm giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và 17 Trung tâm học tập cộng đồng; 01 trường Trung cấp nghề của Tỉnh đóng trên địa bàn huyện; có gần 2.000 giáo viên, hầu hết thầy cô giáo đã đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ giáo dục - Đào tạo. Có 37 trường học được tầng hoá và 24 trường phổ thông, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy từng bước đạt nhiều kết quả.

Sự nghiệp y tế được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo yêu cầu công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Năm 2005, Bệnh viện đa khoa huyện được thành lập, đến năm 2008, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam ra đời và đi vào hoạt động, Trung tâm y tế huyện được xây dựng mới; nhiều trạm y tế xã được đầu tư xây dựng, trang thiết bị cơ bản đảm bảo thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia hiện nay 16/17 trạm. Đội ngũ Bác sỹ, y sĩ ngày càng tăng về số lượng, trình độ chuyên môn. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng bệnh, vệ sinh, môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn được chú ý, thực hiện đạt kết quả.

Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả, đảm bảo mức sinh hợp lý và hạn chế việc sinh con 3+, góp phần nâng cao chất lượng dân số. 

Sự nghiệp văn hoá thông tin, thể thao có nhiều chuyển biến. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hoá văn nghệ, thể thao… được tổ chức thường xuyên, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung với chất lượng ngày càng cao. Hệ thống thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, huyện đã xây dựng được 01 Trung tâm văn hoá thể thao, 01 Quảng Trường, 01 Nhà thi đấu đa năng… Ở cơ sở đã xây dựng được 01 nhà văn hoá xã và 95 nhà văn hoá thôn, khối phố, trên 60 sân bóng chuyền bê tông…Các di tích văn hoá - lịch sử được tiến hành khảo sát, đánh giá, gắn bia. Đài truyền thanh huyện và các trạm truyền thanh cơ sở được xây dựng, trang bị kỹ thuật; hệ thống loa truyền thanh được bố trí rộng khắp, đảm bảo phát sóng đưa thông tin đến sát từng địa bàn dân cư. Bản tin Núi Thành, Cổng thông tin điện tử ra đời, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc xây dựng thôn, khối phố văn hoá, gia đình văn hoá được chú trọng và ngày càng nâng cao chất lượng. Số lượng gia đình, tộc họ, cơ quan, đơn vị, thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hoá ngày càng tăng. Năm 1998 chỉ có 0,62% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá thì đến năm 2012 có 76, 2% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; năm 2000 có 01 tộc phát động xây dựng tộc văn hoá, đến năm 2012 có 55 tộc phát động. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận có đời sống văn hoá tốt tăng từ 63,15% năm 2000 lên 97,9% năm 2012. Đến năm 2012, có 45 thôn, khối phố đạt danh hiệu thôn, khối phố văn hoá, tỷ lệ 32,6%....

Công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em có chuyển biến tích cực, các hình thức chăm sóc trẻ em được triển khai đồng bộ. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng về chiều cao, cân nặng giảm dần hằng năm. Việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được duy trì thực hiện thường xuyên. Các hoạt động văn hoá, vui chơi được tổ chức với nhiều hình thức phong phú... Chế độ chính sách trợ cấp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ. 

Các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và các chương trình bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, gắn với từng bước phát triển kinh tế của huyện. Giai đoạn 1984 đến 2004, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo việc làm cho 25.326 lao động. Trong 10 năm, từ 2004 đến 2013, nhờ sự tăng trưởng nhanh của các ngành kinh tế, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 65.269 lao động; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng tỷ lệ lao động trong các nhóm ngành công nghiệp- xây dựng - dịch vụ và giảm dần tỷ lệ lao động trong nông- lâm - ngư nghiệp. Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm trên 40%. Số lao động qua đào tạo chiếm 39% (chưa kể số lao động do các doanh nghiệp tự đào tạo nghề). 

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 24,62% năm 2006 xuống còn 8,39% năm 2010 (theo chuẩn cũ), bình quân giảm 3,25%/năm. Đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,06% (theo chuẩn mới). Công tác hỗ trợ xây mới và xóa nhà tạm cho hộ nghèo đạt kết quả tích cực, từ năm 2002 đến nay đã làm được 3.056 nhà, với số tiền trên 14 tỷ đồng; các xã thuộc chương trình 135, 134 và các xã vùng bãi ngang ven biển được tập trung đầu tư. Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã khó khăn, xã bãi ngang ven biển 39.152 tỷ đồng. Thành tựu giảm nghèo trong thời gian qua được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện rõ nhất ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ như y tế, văn hóa, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt. Đời sống của đại đa số nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công, các gia đình chính sách, các Mẹ Việt Nam anh hùng được các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung. Từ 1994 đến nay, toàn huyện đã xác nhận và giải quyết chế độ cho 12.619 đối tượng chính sách gồm Anh hùng lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng - hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày, cán bộ hoạt động trước cách mạng Tháng 8 năm 1945… Quy tập 3.050 mộ liệt sỹ vào các nghĩa trang liệt sỹ. Xây dựng nâng cấp nhà bia ghi tên liệt sỹ, mộ liệt sỹ, tường rào cỗng ngõ ở 13 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã. Xây dựng Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ cấp huyện. Việc xoá nhà dột nát cho các gia đình chính sách, người có công thực hiện tích cực, tính đến năm 2013 đã làm được 3.222 nhà, với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng, góp phần ổn định đời sống cho các đối tượng; việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, đỡ đầu con liệt sỹ, con thương binh, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm của toàn xã hội; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được tiến hành thường xuyên; chính sách an sinh xã hội đạt nhiều kết quả.

3. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. 

Đã quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững mạnh. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc từ cơ sở đến huyện; sẵn sàng động viên tiềm lực phục vụ yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong mọi tình huống. Công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện; diễn tập chiến đấu trị an xã, thị trấn đạt hiệu quả thiết thực, an toàn. 

Lực lượng vũ trang huyện được tập trung xây dựng theo hướng chính quy, từng bước hiện đại; đã chủ động nắm chắc tình hình và triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế - xã hội trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt nhiều kết quả. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, giữ vững kỷ cương luật pháp và trật tự an toàn xã hội. Các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông được chú trọng và tăng cường. Công tác cải cách tư pháp được triển khai thực hiện tốt. Chính sách hậu phương quân đội, giải quyết các chế độ chính sách được triển khai thực hiện tốt; phong trào đến ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đông đảo nhân dân thực hiện đạt kết quả. Các biện pháp đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch được triển khai đồng bộ, hiệu quả góp phần tạo môi trường ổn định, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

4. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ máy chính quyền các cấp luôn được củng cố, kiện toàn. Các phòng, ban của UBND huyện được tổ chức sắp xếp theo đúng quy định của nhà nước. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuẩn hoá và nâng lên. Đội ngũ cán bộ xã, thị trấn được bố trí sắp xếp cơ bản ổn định. Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. HĐND các cấp đã thực hiện tốt vai trò đại biểu nhân dân, đổi mới có hiệu quả chương trình hoạt động và nội dung các kỳ họp. Đến nay, UBND huyện và 17/17 xã, thị trấn đã thực hiện cơ chế một cửa; thủ tục hành chính được cải tiến, nêu cao tính minh bạch trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và các doanh nghiệp được cải thiện hơn. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được tổ chức thường xuyên, hạn chế xảy ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, góp phần ngăn ngừa, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế, xã hội.

Bộ máy tổ chức của Ủy ban Mặt trận TQVN và các đoàn thể được kiện toàn; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên. Các phương thức tập hợp, vận động quần chúng được đa dạng, mở rộng và phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Việc vận động nhân dân và hội viên, đoàn viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Mặt trận đã thể hiện tốt vai trò là người đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, là cầu nối giữa dân với Đảng và chính quyền các cấp. Vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy. Mối liên hệ giữa tổ chức Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng mật thiết.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có sự thống nhất cao từ huyện đến cơ sở. Công tác chính trị, tư tưởng thường xuyên được chú trọng, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trưởng, chính sách của Trung ương, của tỉnh và của huyện. Các cấp ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống trong cán bộ, đảng viên. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng được các cấp ủy đảng nghiên cứu, quán triệt và triển khai, xây dựng chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của huyện, ngành, địa phương, đơn vị. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc đã có tác động tích cực trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra giám sát nhằm ngăn ngừa các sai phạm được Đảng bộ luôn chú ý; UBKT các cấp luôn được củng cố; hoạt động ngày càng đi vào nề nếp. Chương trình kiểm tra, giám sát được xây dựng hằng năm. Công tác kiểm tra đã có có tác động tích cực trong việc uốn nắn những lệch lạc, khắc phục, hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng và đảng viên. 

Ngày huyện mới chia tách, Đảng bộ huyện có 13 đảng bộ xã, thị trấn, 31 đảng bộ, chi bộ cơ sở khối cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp với 1.438 đảng viên, thì đến nay có 38 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó có 17 đảng bộ xã, thị trấn, 7 đảng bộ cơ quan; 14 chi bộ cơ sở với 3.807 đảng viên. Tổ chức cơ sở Đảng TSVM, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng lên hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1984 có 12/44 số chi bộ, đảng bộ cơ sở đạt TSVM , tỷ lệ 27.27% thì đến năm 2012 có 33/38 số chi bộ đảng bộ cơ sở đạt TSVM đạt tỷ lệ 86,84%; không có tổ chức cơ sở đảng và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở yếu kém; nhiều TCCS Đảng đạt TSVM và TSVM tiêu biểu nhiều năm liền. Năm 1984, có 76,42% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì đến năm 2012 có 85,33% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; chỉ tính từ 2007 đến 2012 có 60 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Đội ngũ đảng viên có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng; không dao động, giảm sút ý chí chiến đấu, phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nổi bật trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, Đảng bộ luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, nhờ đó đảng bộ không ngừng vững mạnh.

Nhìn lại sự phát triển huyện nhà 30 năm qua, chúng ta có thể khẳng định: Núi Thành ngày nay được đổi mới và phát triển nhiều mặt; Tuy vậy, chúng ta cũng phải thấy rằng: kết quả đạt được vẫn còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Kinh tế tuy tăng trưởng nhanh nhưng chưa thật vững chắc. Văn hoá xã hội phát triển chưa đồng bộ và còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết tốt. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững nhưng còn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định. Năng lực hoạt động của hệ thống chính trị có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao… 

Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian đến, Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác mọi tiềm năng và lợi thế để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ; nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường; giải quyết tốt các vấn đề văn hoá, xã hội. Nhất là đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, thực hiện đạt các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra. 

- Nhằm đạt được mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp, trong thời gian đến. Các cấp ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra, trong đó tập trung vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư - xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư; giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trong diện di dời giải tỏa; khuyến khích phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

- Trên lĩnh vực nông nghiệp, tích cực triển khai xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi, trồng các loại cây nguyên liệu, cây công nghiệp; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Xây dựng, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất; giao đất, giao rừng cho nhân dân sản xuất nâng cao hiệu quả vốn rừng. Tích cực đầu tư phát triển ngành thuỷ sản, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân. Khuyến khích ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để mở rộng khai thác đánh bắt xa bờ. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhất là thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.

Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện về vốn, đất đai... để nông dân phát triển sản xuất.

Triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết từng vùng, từng ngành; bố trí sử dụng đất cho hợp lý. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch. Chú ý quy hoạch mạng lưới trường học, trạm y tế xã, các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở xã, thôn. Xây dựng các tuyến giao thông nông thôn; hoàn chỉnh lưới điện nông thôn. Quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chợ. Xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, các công trình thuỷ lợi, hệ thống nước sạch phục vụ sản xuất và đời sống. 

- Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác dân số, gia đình và trẻ em, chính sách đối với người có công; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; sự nghiệp thể dục, thể thao, xây dựng y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện tốt các chương trình xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục, thể thao. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tăng cường quản lý các hoạt động dịch vụ văn hoá…

- Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh- nội chính; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, quản lý điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. 

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh. Xây dựng cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang huyện vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. 

- Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; trong đó tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Triển khai quán triệt, học tập đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện… tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng TSVM, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 22- NQ/TW của BCH Trung ương về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị. Tập trung kiểm tra giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; uốn nắn, khắc phục và xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.

- Củng cố, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TW về “Đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước”. Tăng cường công tác giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý điều hành của chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức. Đổi mới phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính. 

- Tổ chức thực hiện đạt kết quả Nghị Quyết số 15- NQ TW của BCH Trung ương về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị”. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội. Phát động phong trào thi đua yêu nước, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…

Với những thành tựu đã đạt được và những chủ trương giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, trong thời gian đến Đảng bộ và nhân dân huyện nhà quyết tâm thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

Ban Tuyên giáo huyện ủy Núi Thành

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Du ( Sưu tầm).