Sư phạm là gì?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sư phạm là gì? Bạn sẽ dễ dàng nhận ra: trong hai chữ sư phạm thì sư có nghĩa là thầy.
Người xưa vẫn quan niệm cho con đi học là để mong nhặt được “dăm ba chữ” của thánh hiền. Thầy là người đưa đến cho trò những lời thánh hiền dạy ấy… Song dân nước ta, ngay từ rất sớm, cũng đã thấy rằng thầy không chỉ dạy chữ. Bởi con cái họ, nếu có phải cố học lấy dăm ba chữ, thì chưa hẳn để “làm vương làm tướng”, mà chủ yếu là để “ra người”, để “nên người”.
Người ta trông mong thầy dạy cho con mình thực sự làm người: Dạy lễ nghĩa, ăn nói, cư xử, dạy cách từ một góc đã biết suy ra các góc còn chưa biết như “người thầy của muôn đời” là Khổng Tử từng nói đến. Cho nên đi học là học chữ, nhưng còn là “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Thế còn chữ phạm?
Trong sư phạm thì phạm có nghĩa là khuôn thước, là mẫu mực. Yêu cầu về sự mẫu mực, khuôn thước này nhất định phải được đặt ra trước tiên cho người đã chọn nghiệp làm thầy. Chấp nhận làm thầy giáo nghĩa là bạn đã chấp nhận làm một tấm gương.
Tấm gương ấy phải được người thầy giáo làm nên, để in dấu ấn của mình vào ký ức và sự quý trọng của học trò, bằng toàn bộ con người mình, chứ không chỉ qua lời giảng. Và ngay cả lời giảng cũng sẽ nhạt nhẽo và giả tạo biết bao nếu không chân thật, không được “bảo hiểm” bằng vốn sống và nhân cách của chính thầy.
Ngày nay, ngành sư phạm đã phát triển thành một hệ thống quy mô và có tổ chức chặt chẽ. Ở một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ôtxtrâylia... giáo dục là một “ngành công nghiệp” lớn, mang lại nhiều lợi nhuận và tạo ra khối lượng lớn công ăn việc làm cho xã hội.
Còn tại Việt Nam, ngành sư phạm đang chuyển mình trong những cải tiến không ngừng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn sức khoẻ trí tuệ cộng đồng.

 

Tác giả bài viết: QTM

Nguồn tin: http://vietnamnet.vn