Dự thảo QĐ : Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Dự thảo QĐ : Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng  chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu
ĐẶT VẤN ĐỀ Theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (PCTN), thì các nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 01/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Đây là những nhà giáo bắt đầu giảng dạy ở các nhà trường từ những năm 1960 đến những năm đầu 1980; đã được hưởng PCTN từ  tháng 9/1988 đến tháng 3/1993, theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) và có thời gian tiếp tục giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu mà không được hưởng PCTN từ 08 tháng (là những nhà giáo nghỉ hưu vào tháng 1/1994, có thời gian vẫn dạy nhưng không được hưởng PCTN từ tháng 4/1993 đến tháng 12/1993) đến 18 năm (là những nhà giáo nghỉ hưu vào tháng 5/2011, có thời gian vẫn dạy nhưng không được hưởng PCTN từ tháng 4/1993 đến tháng 4/2011) do chế độ PCTN đối với nhà giáo và một số nghề khác đã bãi bỏ theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
     Để triển khai nội dung: trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong năm 2012 của Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã tiến hành soạn thảo Quyết định của Thủ tướng chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (sau đây gọi chung là dự thảo Quyết định).
     Trong quá trình soạn thảo Quyết định, Ban soạn thảo và Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã tiến hành thống kê số liệu, nghiên cứu các văn bản đã ban hành về chế độ PCTN. Kết quả cho thấy: hiện có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 01/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nhưng đã được hưởng PCTN từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993 theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); trong đó có 184.640 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên 5.380 nhà giáo đang tham gia Hội Cựu giáo chức cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở khác; bình quân mức lương hưu hiện hưởng của nhà giáo là 3,150 triệu đồng/người/tháng (bình quân mức lương hưu hiện hưởng của viên chức là 2,350 triệu đồng/người/tháng).
Khi xem xét mối tương quan giữa các nhà giáo đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, nếu thực hiện "hồi tố" chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo này theo mức tương ứng như quy định tại Nghị định 54/2010/NĐ-CP (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1%) thì kinh phí phải đảm bảo chi trả sẽ rất lớn, khả năng Ngân sách nhà nước không đáp ứng được và không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011của Quốc hội khóa XIII là thực hiện chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên.
 Việc xây dựng phương án thực hiện trợ cấp cho giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên cũng được xem xét trong mối tương quan về chế độ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức nói chung, cụ thể: cán bộ, công chức các ngành Thanh tra, Kiểm sát, Kiểm toán, Tòa án, Kiểm lâm, Thi hành án dân sự cũng được hưởng phụ cấp thâm niên từ ngày 01/01/2009 (theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ), nhưng cán bộ, công chức 6 ngành này đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2008 trở về trước không được tính hưởng PCTN trong lương hưu và cũng không có khoản trợ cấp nào.
Với cơ sở nêu trên, Ban soạn thảo xây dựng phương án trợ cấp một lần, bằng tiền, việc xác định mức trợ cấp dựa trên thời gian giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu không có phụ cấp thâm niên và nhà giáo có thời gian dạy không hưởng phụ cấp thâm niên ít có mức trợ cấp thấp hơn; phương án này có hạn chế là mức trợ cấp đồng đều chưa ghi nhận quá trình công tác, trình độ đào tạo, phấn đấu của mỗi nhà giáo nhưng có sự xem xét  đối với các nhà giáo đã nghỉ  hưu đang hưởng mức lương hưu thấp (là những giáo viên mầm non, tiểu học), cụ thể:
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1994 đến 12/1998, số tiền trợ cấp là 2.000.000đ/người.
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/1999 đến 12/2003, số tiền trợ cấp là 3.000.000đ/người.
+ Các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 01/2004 đến 5/2011, số tiền trợ cấp là 3.500.000đ/người.
Dự toán ngân sách chi cho chế độ này theo các mức trên, khoảng 565 tỷ đồng.
 
                                                                     BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 
 
 
 
 
 
 
 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                                    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc                                                                                          
 
Số:          /2012/QĐ-TTg                             Hà Nội, ngày       tháng         năm 2012                                                                      
 
Dự thảo                                                              
                                                   QUYẾT ĐỊNH
   Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng
chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu

 
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII;
          Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
          Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
2. Đối tượng áp dụng là các nhà giáo đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đang hưởng lương hưu và quyết định nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1994 đến ngày 01 tháng 5 năm 2011.
Điều 2. Điều kiện tính hưởng
Nhà giáo thuộc đối tượng quy định tại Quyết định này được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục từ đủ 05 năm trở lên;
2. Đang trực tiếp tham gia giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập hoặc đang trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập thì nghỉ hưu.
 
 
Điều 3. Mức trợ cấp
Nhà giáo thuộc đối tượng và đủ điều kiện tính hưởng quy định tại Quyết định này (sau đây gọi tắt là đối tượng được hưởng trợ cấp), được trợ cấp một lần bằng tiền, cụ thể như sau:
1. Quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1994 đến ngày 31 tháng 12 năm 1998, mức  trợ cấp  là 2.000.000 đồng.
2. Quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1999 đến ngày 31 tháng 12 năm 2003, mức trợ cấp là 3.000.000 đồng.
3. Quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 đến ngày 01 tháng 5 năm 2011, mức trợ cấp là 3.500.000 đồng.
Điều 4. Hồ sơ, trình tự xét duyệt đối tượng hưởng trợ cấp
  1. Hồ sơ xét trợ cấp, gồm:
a) Đơn đề nghị của đối tượng được hưởng trợ cấp (Mẫu I);
b) Bản sao (kèm bản chính để đối chiếu), gồm:
- Quyết định nghỉ hưu;
- Sổ Bảo hiểm xã hội hoặc một trong các giấy tờ, tài liệu có xác nhận, đóng dấu của cơ quan, tổ chức quản lý, chủ quản khi đang công tác, trong đó có ghi rõ thời gian giảng dạy, giáo dục của đối tượng được hưởng trợ cấp;
c) Danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp (Mẫu II) do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đang trả lương hưu hàng tháng cho đối tượng được hưởng trợ cấp lập.
2. Trình tự xét duyệt:
a) Ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, Uỷ ban nhân dân cấp xã niêm yết, phổ biến cho các nhà giáo đang hưởng lương hưu tại xã biết;
b) Trong vòng 60 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, đối tượng được hưởng trợ cấp viết đơn đề nghị (Mẫu I), và nộp kèm Hồ sơ xét hưởng trợ cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang trả lương hưu hàng tháng;
c) Trong vòng 45 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nộp đơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đối chiếu, rà soát và lập danh sách các đối tượng được đề nghị hưởng trợ cấp (mẫu II), kèm hồ sơ xét trợ cấp, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện);
 d) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện hoàn thành việc xét duyệt, lập dự toán kinh phí (Mẫu III) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh);
e) Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp, lập dự toán kinh phí (Mẫu IV) gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tổng hợp gửi Bộ Tài chính xét cấp kinh phí.
Điều 5. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp theo quy định tại Quyết định này do ngân sách nhà nước cấp và thực hiện theo phân cấp quản lý hiện hành.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày       tháng       năm 2012.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện việc xét duyệt, tiếp nhận kinh phí và chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định này, quyết toán kinh phí với Bộ Tài chính và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện./.
 
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư.
THỦ TƯỚNG
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Từ Bộ GD-ĐT

Nguồn tin: http://www.moet.gov.vn/?page=6.4&view=4472