Tiếng Việt    Tiếng Anh  
Thứ ba 23/04/2024 Trang nhất » Trang chủ » GƯƠNG MẶT GIÁO DỤC
Chào mừng các bạn đến với Website Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam

Liên kết

             
     Văn bản                 DS cán bộ

 
            
 Lịch công tác          Album ảnh

 

Tin Giáo dục


Phong trào thi đua




Thống kê truy cập

Đang truy cập : 122


Hôm nay : 23067

Tháng hiện tại : 778105

Tổng lượt truy cập : 15398282

Tin vắn Giáo dục Núi Thành

Cô giáo tôi !

Cô giáo tôi !

Cô giáo tôi !

Cô rơm rớm nước mắt khi tôi chạy ào ra nhà báo tin tôi sắp làm cô giáo! Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã có tuổi theo năm tháng, tôi quẹt nước mắt:
      - Ơ cô! Cô không mừng với em hay sao mà khóc vậy!
      - Mừng, cô mừng lắm chứ! Mừng cho em và cho cả ba má em nữa!       
Rồi cô hỏi thăm cái Vy có trúng tuyển không, cái Thuận và những đứa học trò khác mà hơn tám năm rồi cô chưa hề gặp lại. Cô nhớ hết, chẳng sót đứa nào, chẳng hiểu sao cô lại nặng lòng với học trò đến vậy!
Tiếng cô vẫn nhỏ nhẹ, đều đều:
- Trời mưa lớn thế này, nhà em có bị ngập không?
- Dạ có cô ạ!
- Hai mẹ con ở nhà có sợ lắm không?
- Dạ có!
        Giọng tôi đã bắt đầu nghèn ngẹn, chỉ lí nhí được vài lời ! Cô vẫn thế! Tôi thèm khóc thật to trước mặt cô như cô đã từng khóc với tôi khi học trò hư, ngỗ ngược hay bị điểm kém! Cô vẫn tận tụy, cần mẫn đưa học trò qua sông, bao kẻ đi qua, có mấy ai còn nhớ lại người lái đò ngày cũ! Nhưng cô vẫn nhớ, nhớ hết! Cô thực sự quan tâm nên cô hiểu chúng tôi cần gì!
         Tôi bắt đầu những ngày của nghiệp gõ đầu trẻ, bình yên và lòng đầy thanh thản. Không hiểu sao tôi lại giống cô nhiều đến thế! Một ngày thật vui khi học trò ngoan và học giỏi. Cô là người có sức ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất, đến cá tính, đến lòng nhiệt huyết, sự tận tâm và cả tình yêu của tôi dành cho lũ trò nhỏ!
20 tháng 11, tôi lỉnh kỉnh những quà ra thăm cô! Cửa nhà cô khóa im ỉm! Tôi thở dài, cô vẫn như xưa! Chưa có ngày 20 tháng 11 nào nhà cô mở cửa! Tôi đã từng hỏi và lần nào cô cũng chỉ trả lời có vậy: “Cô về thăm mẹ!”. Mà nhà mẹ cô có xa nhà cô là mấy, chỉ mất có mười phút vừa đạp xe vừa ngắm cảnh! Tôi hiểu cô ngại điều gì, nhưng cô đâu có biết, trong giỏ quà to đùng ấy chỉ là mớ sách mà tôi nghĩ cô sẽ thích đọc, sẽ bổ sung vào tủ sách cho lũ học trò của cô, và hơn nữa là chiếc khăn len ấm mà tôi mong mỗi độ gió về cô sẽ quàng để khỏi bị ho vì bệnh viêm họng do nói nhiều để dạy dỗ học trò chúng tôi nên người! Tự dưng tôi thầm trách cô! Nhiều lần 20 tháng 11, tôi loanh quanh trong sân trường cũ, nhặt lá rụng mà nghe lòng nhớ và buồn man mác một nỗi buồn khó tả! Kỉ niệm lại ùa về, vui buồn đủ cả! Giờ lớn rồi, suy nghĩ cũng khác xưa nhiều, đâu dễ gì tìm lại nét hồn nhiên ngây thơ ngày cũ! Già dặn hơn để hiểu và thêm yêu những người đã vì mình mà hy sinh, người đó là ba, là mẹ và là cô nữa cô giáo ạ!
         Chúng tôi gặp lại nhau trong một cái quán lèo tèo ven biển. Biển xanh ì ào từng con sóng. Gió hất tung mớ tóc rối của bọn con gái. Tôi đưa tay vén tóc, mắt lơ đễnh ngắm từng con sóng xô nhau vào bờ. Biển mùa này mát rượi từng con gió, chợt nhớ lần đi chơi với lớp, cô vội đuổi theo học trò vấp vào đá đến chảy máu ở chân, lũ học trò nghịch ngợm giả vờ đánh nhau rồi trốn vội sau tảng đá, làm cô hú vía một phen! Chúng bạn ồn ã một lúc về công việc hiện tại, về những dự định trong tương lai, rồi không hẹn mà gặp, cả bọn lại hồi tưởng về cái thuở học sinh- cái thời nhất quỷ nhì ma, nghêu ngao hoá vịt ấy!
       - Lần ấy bọn tao rủ nhau lên nghĩa trang hái trộm mít ăn, ai ngờ cô Lâm bắt được! Mà cổ hay thiệt, có chủ nhiệm mình đâu, vậy mà đọc vanh vách cả họ lẫn tên của cả bọn, làm tao phát rét luôn. Cổ nói nhỏ nhẹ mà tao cạch tới già, dễ gì có cô giáo nào quan tâm đến mình vậy, phạm lỗi nữa sợ cổ buồn!
        Trường tôi học ngày xưa nằm cạnh nghĩa trang liệt sĩ, trên ấy mít nhiều vô kể, bọn học trò hay kéo nhau lên đó trộm mít chín ăn. Đám con trai nói xong cười ha hả, nhưng tôi biết đằng sau tiếng cười sảng khoái đó, tận trong sâu thẳm tâm hồn, bọn chúng yêu quý cô đến nhường nào! Cô không chủ nhiệm tôi lần nào trong suốt thời trung học, tôi chỉ học thêm cô 4 năm, nhưng cô luôn dành cho tôi những sự quan tâm đặc biệt, vượt lên cả tình cảm cô trò! Bọn con gái nhỏ nhẹ, thủ thỉ trò chuyện như gió lùa kẽ lá mùa thu:
       - Mỗi lần tụi mình ra thăm cô, lần nào cô cũng nhắc đến mày hết trơn – nó chỉ tôi - chỉ tội mày cái lận đận bao nhiêu năm cũng không bỏ được! Cô nhớ hết bọn mày ạ, tên gì, con cái nhà ai, anh chị em có mấy người, tính nết ra sao cô cũng nhớ hết, hơn 8 năm rồi còn gì, vậy mà vẫn nhớ! Tao không hiểu, chắc cô là bộ bách khoa toàn thư quá, cái gì cũng biết hết! Cổ bảo học trò ngày xưa nghịch nhưng dễ thương hơn bây giờ nhiều bọn mày a! Tội nghiệp, cô nói chuyện rồi khóc miết à! Người như vậy mà cô đơn hoài là sao ta?
       Nó hỏi tôi, tôi biết hỏi ai? Cô không chồng, không con, sống với mẹ già. Tuổi thanh xuân của cô thế nào tụi tôi không biết, chỉ nghe ba tôi bảo trước đây cô học rất giỏi, nhưng hay khóc lắm – mà cái tật này là con gái cấm có ai thoát! Cô học giỏi, nết na, lắm người thương nhưng sao không đến được với ai, chắc tại duyên số hay tại ông trời không có mắt cũng chẳng biết! Hồi tôi học cấp III, có nghe mấy đứa bạn kháo nhau cô định nhận con nuôi- nghe cũng mừng cho cô, có người hủ hỉ tâm sự sớm hôm cô đỡ buồn hơn!      Bẵng đi một dạo, ra thăm cô, nhìn trước nhìn sau không có đứa  nhỏ nào, tôi vội cất túi đồ chơi vào cốp xe máy, sau này hỏi ra mới biết, cô định nhận con nuôi nhưng lắm nỗi gian truân, lại sợ em bé chiếm nhiều thời gian dạy học, lúc đó cô đang ôn thi tốt nghiệp cho học trò,  lần lữa mãi rồi thôi! Lúc đó tôi trách cô sao cả nghĩ quá, cứ việc nhà, việc trường thời gian phân ra rành mạch thì có sao đâu! Sau này có chồng, có con, tình yêu và trách nhiệm với gia đình khiến tôi hay sao lãng việc khác, nghĩ lại càng thương cô hơn!
         Dạo tôi học ở Tam Kỳ, cô bị đau phải chuyển viện ra mổ, tôi nghe tin ba chân bốn cẳng chạy đến thăm, nhìn cô tiều tuỵ cắn răng chịu đựng những cơn đau thấy thương cô quá chừng! Tôi hì hụi lên thư viện học bài rồi về nấu cháo đem đến cho cô, cô cảm ơn rối rít, nhưng so với công cô dạy dỗ tôi nên người, chút xíu chừng ấy có đáng là bao! Sợ cô buồn, tôi đem một mớ báo phụ nữ, báo hôn nhân gia đình mà tôi góp nhặt đựơc đến cô đọc những lúc buồn. Ra về mới thấy mình ngốc, cô một thân một mình đau đã buồn, phòng lại nằm cạnh phòng nhi, nghe tiếng trẻ khóc đã đủ đau lòng, giờ tôi lại đem hạnh phúc gia đình đến nữa, quả thật tôi vô tâm quá đỗi, không biết cô có buồn lắm không? Trách mình dễ sợ nhưng không dám quay vào lấy lại những tờ báo, áy náy mãi đến tận bây giờ chẳng dám nói ra!
          Lũ con trai hát hò inh ỏi, bọn con gái chúng tôi trầm ngâm ngồi ngắm biển. Gió vuốt ve khuôn mặt rắn rỏi lên từng ngày của bọn trò nhỏ ngày nào mát rượi. Cô là gió thổi mát những trưa hè, cô là sóng - những con sóng ở tận khơi xa, không ồn ào, lặng lẽ mà chứa trong lòng bao nhiệt huyết, mãnh liệt nhưng dịu êm! Ở bên cô, trò chuyện cùng cô, chúng tôi vui hơn, vững tin hơn vào cuộc sống! Cô cống hiến và quên cả mình! 52 tuổi, mái tóc chẳng còn đen nhánh như thuở đôi mươi, nhưng lòng nhiệt huyết và tình yêu cô dành cho học trò lại sâu sắc và bao la hơn trước. Tôi muốn nói với cô rằng, dù cô không có con, nhưng chúng tôi luôn xem cô như là mẹ của mình - người mẹ thứ hai tận trong sâu thẳm lòng mình!
       Có lần tôi đánh bạo hỏi: “ Về hưu cô có thấy buồn không cô?” . Tôi sợ về hưu có nhiều thời gian rảnh, những khoảng trống tâm hồn càng nhiều hơn khi cô không có con bên cạnh. Cô ngập ngừng hồi lâu: “ Có nhiều lúc cô cũng sợ điều đó, nhưng bây giờ cô nghĩ thoáng hơn rồi, chắc cô không có nhiều thời gian rảnh để buồn đâu em ạ, cô còn chăm lo cho mẹ, cho những học trò nhỏ còn cần đến cô và những công việc yêu thích, có ích khác nữa…”. Tôi nghèn nghèn trong lòng, cố không để rơi nước mắt, tôi cũng là một người phụ nữ và tôi hiểu rốt cuộc người phụ nữ mong muốn điều gì nhất. Chắc cô đã nghĩ nhiều lắm và chắc rằng dù nói như vậy nhưng tránh sao cho khỏi buồn cô ơi! Tôi mím môi, cố gắng lắm mới thốt được điều mình đã ấp ủ trong lòng từ rất lâu: “ Cô đừng buồn nhé, chúng em luôn mong cô được vui, lúc nào em cũng xem cô như người mẹ thứ hai của mình, cô nhớ gọi em lúc nào cô cần em bên cạnh cô nhé!”. Cô lặng đi, và tôi ngổn ngang những tâm sự trong lòng, thương cô thật nhiều cô ạ!
          Cô  vẫn đi về ngôi trường cấp II quen thuộc, giờ nó đã đổi tên mới: Trường THCS Trần Hưng Đạo, đẹp hơn, khang trang hơn ngày xưa chúng tôi học nhiều. Trong cả cuộc đời con người, có nhiều bước ngoặc, có rất nhiều khoảng thời gian để nhớ, để mà hồi tưởng; nhưng trong tôi những kỉ niệm thuở cấp II – cái tuổi nửa người lớn, nửa trẻ con, nghịch ngợm nhưng cũng đủ lớn để hiểu, có lẽ vì vậy những kỉ niệm ấy khó phai trong tâm trí! Trong miền kí ức tuổi thơ, tôi vẫn luôn nhớ về  một cô giáo tên Lâm – Trương Thị Thuỳ Lâm!!!
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Châu Vân

Nguồn tin: TH Ngô Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hệ thống điều hành - Tác nghiệp






THI TOÁN QUA MẠNG

Công ty Phú Bình Pro thiết kế web tại Quảng Nam




Đăng nhập

Thành viên đăng bài

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy giao diện mới của Trang tin điện tử PGD Núi Thành?

Đẹp, hài hòa.

Mới lạ, thông tin nhanh.

Bình thường.

Liên kết Website

Thiết kế bởi Công ty thiết kế web Phú Bình Pro